Chứng đạo ca-TS Huyền Giác, thầy Thông Phương dịch

CHỨNG ĐẠO CA -TS. Huyền Giác, thầy Thông Phương dịch

Anh thấy chăng!

Tuyệt học vô vi đạo nhân nhàn,

Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân.

Tánh thực vô minh tức Phật tánh,

Thân không huyễn hóa tức Pháp thân.
Pháp thân giác rồi không một vật,

Sẵn nguồn tự tánh thiên chơn Phật.

Năm ấm, mây trôi qua lại suông,

Ba độc, bọt nổi luống còn mất.
Chứng thật tướng, không nhân pháp,

Sát-na dứt sạch A- tỳ nghiệp.

Nếu đem lời vọng dối chúng sanh.

Tội rút lưỡi tự mang trần kiếp.
Chóng giác xong Như Lai thiền,

Sáu độ muôn hạnh thề tròn nguyên.

Trong mộng rành rành bày sáu thú,

Tỉnh rồi vắng bặt cả ba nghìn.
Không tội phước, không thêm bớt,

Trong tánh tịch diệt đừng hỏi kiếm.

Xưa nay gương bụi chửa từng lau,

Đây lúc rõ phân biện chắc.

Ai không niệm? Ai không sanh?

Nếu thực không sanh, không chẳng sanh.

Gọi người gỗ máy hỏi xem thử?

Cầu Phật ra công bao kiếp thành?
Buông bốn đại, đừng nắm bắt,

Trong tánh lặng lẽ tùy ăn nuốt.

Các hạnh vô thường thảy toàn không,

Đấy tức Như Lai Đại viên giác.
Dám hỏi chắc, là chân tăng,

Nếu ai chẳng nhận hỏi mặc tình.

Chặt thẳng cội nguồn Phật đã ấn,

Chọn lá tìm cành ta chẳng kham.
Ngọc ma ni, người chẳng biết,

Như Lai kho ấy mình thâu được.

Sáu đường thần dụng không chẳng không,

Một điềm sáng tròn, sắc không sắc.
Tịnh năm mắt, được năm lực,

Chỉ chứng mới hay khó lường được.

Trong gương xem bóng dễ thấy hình,

Đáy nước mò trăng nhọc công chắc.
Một mình đi, một mình bước,

Niết bàn chung lối cho người đạt.

Điệu xưa thần nhẹ dáng thanh cao,

Xương cứng thân gầy ai dễ mắt.
Hèn con Phật, miệng xưng nghèo,

Thật đấy thân nghèo, đạo chẳng nghèo.

Nghèo ắt thân thường manh áo vá,

Đạo ắt tâm đầy vô giá châu.
Vô giá chân dùng không hết,

Lợi người lợi vật nào lẫn tiếc.

Ba thân, bốn trí thể tròn đầy,

Tám giải, sáu thông tâm ấn hiệp.
Bậc thượng một quyết xong hết thảy,

Trung hạ nghe nhiều ngờ vực mãi.

Áo bẩn trong lòng hãy vứt đi,

Khoe chi tinh tấn bên ngoài ấy!
Mặc người báng, mặc người chê,

Cầm lửa đốt trời tự nhọc ghê!

Ta nghe như uống cam lồ vậy,

Tan hết vào trong chẳng nghĩ nghi.
Xem lời ác, chính công đức,

Đây là vì ta thiện tri thức.

Chẳng do phi báng đấy oán thân,

Sao tỏ vô sinh từ nhẫn lực.
Tông cũng thông, thuyết cũng thông,

Định tuệ sáng tròn chẳng trệ không.

Đâu phải mình ta nay tỏ suốt,

Hằng sa chư Phật thể chung đồng.
Sư tử hống, thuyết vô úy,

Trăm thú nghe qua đều tét tủy.

Voi lớn chạy dài mất hết uy,

Trời rồng lặng ngóng sinh hoan hỷ.
Qua sông biển, vượt sơn xuyên,

Tìm thầy hỏi đạo khắp tham thiền.

Từ khi nhận được Tào Khê lối,

Rõ ra sinh tử chẳng tương can.
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,

Nón nín động tịnh thể an nhiên.

Dẫu gặp gươm đao thường phẳng lặng,

Ví nhằm thuốc độc vẫn nhẹ tênh.
Thầy ta gặp được Nhiên Đăng Phật,

Nhiều kiếp từng làm tiên nhẫn nhục.

Bao lần sinh, bao lần tử,

Tử sinh dằng dặc không ngừng dứt.

Từ khi chóng ngộ tỏ vô sinh,

Nào phải mừng lo cơn vinh nhục.
Vào non sâu, ở Lan-nhã,

Núi dựng tùng già sâu vắng tỏa.

Thong dong ngồi lặng kẻ Tăng quê,

Vắng lặng yên lành thanh thoát quả.
Giác là xong, chẳng ra công,

Mọi pháp hữu vi thảy chẳng đồng.

Bố thí trụ tướng phước trời ứng,

Khác gì tên nhắm bắn hư không.
Đà bắn hết, tên rơi lại,

Đời sau vướng phải chẳng như ý.

Đâu giống cửa thực tướng vô vi,

Vào đất Như Lai trong một nhảy.
Chỉ được gốc, lo chi ngọn,

Như ngọc lưu ly ngậm trăng sáng.

Đã hay hiểu được như ý châu,

Lợi mình lợi người không cùng tận.
Trăng rọi sông, gió lay tùng,

Đêm trường thanh vắng có chi làm.

Phật tánh giới châu tâm in rõ,

Mây ráng sương mù áo khoác thân.
Bát hàng rồng, gậy giải cọp,

Hai dãy khoen vàng khua lảnh lót.

Nào phải nêu bày giữ việc suông,

Gậy báu Như Lai đây dấu tích.
Chẳng cầu chân, chẳng dứt vọng,

Hai pháp vốn là không, không tướng.

Không tướng, không không, không chẳng không,

Đấy chính Như Lai chân thật tướng.
Gương tâm sáng, soi không ngại,

Rỗng rang tỏ suốt khắp trần cõi.

Vạn tượng sum la bóng hiện trong,

Một điểm sáng tròn không nội ngoại.
Toàn không trơ, dẹp nhân quả,

Mênh mang bát ngát chuốc lấy họa.

Bỏ có, vướng không cũng bệnh thôi,

Khác gì tránh nước nhảy vào lửa.
Bỏ vọng tâm, lấy chân lý,

Chính tâm lấy bỏ thành xảo ngụy.

Người học chẳng rõ dùng tu hành,

Chân thành nhận giặc làm con vậy.
Hao pháp tài, hết công đức,

Đều bởi là do tâm ý thức.

Chính thế thiền môn rõ thấu tâm,

Tri kiến vô sinh liền thể nhập.
Đại trượng phu, cầm kiếm tuệ,

Bát Nhã bén chừ kim cang lóe.

Đâu những dẹp phăng ngoại đạo tâm,

Thiên ma cũng phải rớt mật té.
Nổi sấm pháp, đánh trống pháp,

Bủa mây từ chừ cam lộ khắp.

Voi chúa dẫm bước thấm vô biên,

Ba thừa, năm cánh, đều tỉnh suốt.
Cỏ Phì nhị thuần trên núi Tuyết,

Cho một đề hồ ta nếm thực.

Một tánh viên thông hết thảy tánh,

Một pháp bao gồm tất cả pháp,

Một trăng khắp hiện tất cả nước,

Tất cả trăng nước một trăng nhiếp.

Pháp thân Chư Phật vào tánh ta,

Tánh ta cùng với Như Lai hợp.

Một địa đầy đủ tất cả địa,

Chẳng sắc chẳng tâm chẳng hạnh nghiệp.
Khảy tay tròn thành tám vạn môn,

Sát na dứt sạch ba kỳ kiếp.

Tất cả số câu chẳng số câu,

Nào có dính gì với linh giác.
Chê chẳng được, khen chẳng được,

Thể tợ hư không bờ mé dứt.

Chẳng rời trước mắt thường lặng trong,

Còn tìm tức biết anh mờ mịt.
Lấy chẳng được, bỏ chẳng được,

Trong chẳng thể được, liền thế được.
Im thời nói, nói thời im,

Cửa đại thí mở toang thông suốt.

Có người hỏi ta giải tông gì,

Thưa rằng Ma-ha Bát- nhã lực.
Hoặc phải hoặc quấy người chẳng biết,

Thuận hạnh, nghịch hạnh trời khó xét.

Ta đã từng qua bao kiếp tu,

Nào phải tầm thường cùng dối gạt.
Dựng pháp tràng, lập tông chỉ,

Rõ ràng Phật dạy Tào Khê đấy.

Ca diếp đứng đầu lãnh truyền đăng,

Tây thiên hăm tám đời Tổ kế.
Pháp sang Đông, vào Trung Quốc,

Bồ đề Đạt Ma Tổ thứ nhất.

Y bát sáu đời thiên hạ nghe,

Người sau đắc đạo không kể xiết.
Chân chẳng lập, vọng vốn không,

Có không đều bặt chẳng không không.

Hai chục cửa không nguyên chẳng dính,

Một tánh Như Lai thể tự đồng.
Tâm là căn, pháp ấy trần,

Cả hai như vết đóng trên gương.

Vết nhơ trừ sạch ánh sáng hiện,

Tâm pháp cùng quên tánh tức chân.
Ôi mạt pháp, đời ác trược,

Chúng sanh phước mỏng khó điều phục.

Cách Thánh xa chừ tà kiến sâu,

Ma mạnh pháp yếu nhiều thù ghét.

Nghe môn đốn giáo của Như Lai,

Hận chẳng diệt tan như ngói nát.
Làm lại tâm, ương ơt thân,

Thôi chớ trách người với kêu oan.

Muốn được khỏi mang vô gián nghiệp,

Thì chớ chê bai chánh pháp luân.
Rừng chiên đàn, không cây tạp,

Sư tử sâu đầy rậm rạp.

Cảnh vắng rừng yên tự dạo chơi,

Thú chạy chim bay xa mất hút.
Sư tử con chúng theo sau,

Ba tuổi rống lên khỏe biết bao.

Dã can dù bám sát Pháp Vương,

Trăm năm quái gở mở miệng khào.
Giáo viên đốn, vượt nhân tình,

Có nghi chẳng quyết mới cần tranh.

Nào phải sơn tăng thích nhân ngã,

Đoạn thường e rớt kiếp tu hành.
Quấy chẳng quấy, phải chẳng phải,

Sai đó mảy may ngàn dặm trái.

Phải đó Long Nữ thành Phật ngay,

Quấy đó Thiện Tinh đọa liền đấy.
Ta đã nhiều năm gom học vấn,

Cũng từng sớ giải tìm kinh luận.

Phân biệt danh tướng mãi không thôi,

Vào biển đếm cát ôi nhọc uổng!
Lại bị Như Lai rất quở trách!

Đếm báu cho người nào có ích?

Từ lâu lận đận quả toi công,

Uổng thực bao năm phong trần khách!
Chủng tánh tà, tri giải bậy,

Pháp viên đốn Như Lai chẳng thấy.

Hai thừa tinh tiến chẳng đạo tâm,

Ngoại đạo thông minh không tuệ trí.
Cũng ngu si, cũng nhỏ dại,

Trên nắm tay không sanh thật giải.

Chấp ngón là trăng uổng ra công,

Trong pháp căn cảnh bắt bóng mãi.
Chẳng thấy một pháp tức Như Lai,

Đấy mới gọi là Quán Tự Tại.

Tỏ tức nghiệp chướng xưa nay không,

Chưa tỏ nợ trước phải đền lại.

Đói gặp cơm vua chẳng chịu ăn,

Bệnh gặp Y vương vẫn còn ngại.
Tại dục hành Thiền sức thấy biết,

Sen vẫn nở tươi trong lửa cháy.

Dõng Thí phạm trọng ngộ vô sanh,

Sớm đà thành Phật nay còn đấy!
Sư tử hống, thuyết vô úy,

Ôi! Quá ương gàn trong mù tối.

Chỉ biết phạm trọng ngại Bồ đề,

Bí quyết Như Lai con chẳng thấy.
Có hai Tỳ kheo phạm dâm sát,

Đốm sáng Ba Ly thêm tội kết.

Đại sĩ Duy Ma chóng dứt nghi,

Như vầng dương rực tan sương tuyết.
Chẳng nghĩ bàn, sức giải thoát,

Diệu dụng hằng sa không cùng cực.

Tứ sự cúng dường dám từ đâu,

Muôn lượng vangg ròng cũng tiêu nốt.

Thân nát xương tan chưa đủ đền,

Một câu tỏ suốt vượt trăm ức.
Vua trong pháp, thật tối thắng,

Hằng sa Như Lai đồng chung chứng.

Nay ta rõ đấy như ý châu,

Ai người tin nhận đều tương ứng.
Rành rành thấy không một vật,

Cũng không người cũng không Phật.

Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,

Hết thảy Thánh hiền như điện chớp.
Ví cho vòng sắt chuyển trên đầu,

Định tuệ sáng tròn trọn chẳng mất.

Nhật dù lạnh, nguyệt dù nóng,

Lời chân thật ma nào phá hỏng.

Xe voi ngạo nghễ cứ tiến lên,

Mặc sức bọ trời theo ngăn chống.
Voi lớn chẳng đi theo dấu thỏ,

Ngộ lớn nệ gì nơi tiết nhỏ.

Chớ dòm trong ống mỉa trời xanh,

Chưa tỏ vì anh ta giải rõ.

Chứng Đạo Ca(âm)-TS.Huyền Giác

CHỨNG ĐẠO CA- TS. Huyền Giác
Quân bất kiến?

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,

Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân.

Vô minh thực tánh tức Phật tánh,

Huyễn hóa không thân tức pháp thân.
Pháp thân giác liễu vô nhất vật,

Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật.

Ngũ ấm phù vân không khứ lai,

Tam độc thủy bào hư xuất một.
Chứng thực tướng, vô nhân pháp,

Sát na diệt khước A tỳ nghiệp.

Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh,

Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp.
Đốn giác liễu Như lai thiền,

Lục độ vạn hạnh thể trung viên.

Mộng lý minh minh hữu lục thú,

Giác hậu không không vô đại thiên.
Vô tội phước, vô tổn ích,

Tịch diệt tánh trung mạc vấn mịch.

Tỉ lai trần kính vị tằng ma,

Kim nhật phân minh tu phẫu tích.
Thùy vô niệm, thùy vô sanh,

Nhược thực vô sanh vô bất sanh.

Hoán thủ cơ quan mộc nhân vấn,

Cầu Phật thi công tảo vãn thành?
Phóng tứ đại,mạc bả tróc,

Tịch diệt tánh trung tùy ẩm trác.

Chư hành vô thường nhất thiết không,

Tức thị Như Lai đại viên giác.
Quyết định thuyết, biểu chân tăng,

Hữu nhân bất khẳng nhiệm tình trưng.

Trực tiệt căn nguyên Phật sở ấn,

Trích diệp tầm chi ngã bất năng.
Ma ni châu, nhân bất thức,

Như Lai tạng lý thân thâu đắc.

Lục ban thần dụng không bất không,

Nhất lỏa viên quang sắc phi sắc.
Tịnh ngũ nhãn, đắc ngũ lực,

Duy chứng nãi tri nan khả trắc.

Kính lý khán hình kiến bất nan,

Thủy trung tróc nguyệt trạn niêm đắc.
Thường độc hành, thường độc bộ,

Đạt giả đồng du Niết bàn lộ.

Điệu cổ thần thanh phong tự cao,

Mạo tụy cốt cương nhân bất cố.
Cùng thích tử khẩu xưng bần,

Thật thị thân bần, đạo bất bần.

Bần tắc thân thường phi lũ hạt,

Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.
Vô giá trân, dụng vô tận,

Lợi vật ứng cơ chung bất lận.

Tam thân, tứ trí thể trung viên,

Bát giải, lục thông tâm địa ấn.
Thượng sĩ nhất quyết nhất thiết liễu,

Trung hạ đa văn đa bất tín.

Đản tự hoài trung giải cấu y,

Thùy năng hướng ngoại khoa tinh tiến?
Tùng tha báng, nhậm tha phi,

Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bì.

Ngã văn kháp tợ ẩm cam lộ,

Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì.
Quán ác ngôn, thị công đức,

Thử tắc thành ngô thiện tri thức.

Bất nhân san báng khởi oan thân,

Hà biểu vô sanh từ nhẫn lực?
Tông diệc thông, thuyết diệc thông,

Định tuệ viên minh bất trệ không.

Phi đản ngã kim độc đạt liễu,

Hà sa chư Phật thể giai đồng.
Sư tử hống, vô úy thuyết,

Bách thú văn chi giai não liệt.

Hương tượng bôn ba thất khước uy,

Thiên long tịch thính sanh hân duyệt.
Du giang hải, thiệp sơn xuyên,

Tầm sư phỏng đạo vị tham thiền.

Tự tòng nhận đắc Tào Khê lộ,

Liễu tri sanh tử bất tương can.
Hành diệc thiền, tọa diệc thiền,

Ngữ mặc động tịnh thể an nhiên.

Túng ngộ phong đao thường thản thản,

Giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn.

Ngã Sư đắc kiến Nhiên Đăng Phật,

Đa kiếp tằng vi nhẫn nhục tiên.
Kỷ hồi sanh! Kỷ hồi tử!

Sanh tử du du vô định chỉ!

Tự tòng đốn ngộ liễu vô sanh,

Ư chư vinh nhục hà ưu hỷ?
Nhập thâm sơn, trụ lan nhã,

Sầm ngâm u thúy trường tùng hạ,

Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia,

Khuých tịch an cư thật tiêu sái!
Giác tức liễu, bất thi công,

Nhất thiết hữu vi pháp bất đồng.

Trụ tướng bố thí sanh thiên phước,

Do như ngưỡng tiễn xạ hư không.
Thế lực tận, tiễn hoàn trụy,

Chiêu đắc lai sanh bất như ý.

Tranh tợ vô vi thực tướng môn,

Nhất siêu trực nhập Như Lai địa.
Đản đắc bổn, mạc sầu mạt,

Như tịnh lưu ly hàm bửu nguyệt.

Ký năng giải thử như ý châu,

Tự lợi, lợi tha chung bất kiệt.
Giang nguyệt chiếu, tòng phong xuy,

Vĩnh dạ thanh tiêu hà sở vi?

Phật tánh giới châu tâm địa ấn,

Vụ lộ vân hà thể thượng y.
Hàng long bát, giải hổ tích,

Lưỡng cỗ kim hoàn minh lịch lịch.

Bất thị tiêu hình hư sự trì,

Như Lai bửu trượng thân tung tích.
Bất cầu chân, bất đoạn vọng,

Liễu tri nhị pháp không vô tướng.

Vô tướng, vô không, vô bất không,

Tức thị Như Lai chân thực tướng.
Tâm kính minh giám vô ngại,

Khuếch nhiên oánh triệt châu sa giới.

Vạn tượng sum la ảnh hiện trung,

Nhất lỏa viên quang phi nội ngoại.
Khoát đạt không, bác nhân quả,

Mãng mãng đãng đãng chiêu ương họa.

Khí hữu trước không bệnh diệc nhiên,

Hoàn như tỵ nịch nhi đầu hỏa.
Xả vọng tâm, thủ chân lý,

Thủ xả chi tâm, thành xảo ngụy.

Học nhân bất liễu dụng tu hành,

Chân thành nhận tặc tương vi tử.
Tổn pháp tài, diệt công đức,

Mạc bất do tư tâm ý thức.

Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm,

Đốn nhập vô sanh tri kiến lực.
Đại trượng phu bỉnh huệ kiếm,

Bát nhã phong hề kim cương diệm.

Phi đản năng thôi ngoại đạo tâm,

Tảo tằng lạc khước thiên ma đảm.
Chấn pháp lôi, kích pháp cổ,

Bố từ vân hề sái cam lồ.

Long tượng xúc đạp nhuận vô biên,

Tam thừa ngữ tánh giai tỉnh ngộ.
Tuyết sơn phì nhị cánh vô tạp,

Thuần xuất đề hồ ngã thường nạp.

Nhất tánh viên thông nhất thiết tánh,

Nhất pháp biến hàm nhất thiết pháp,

Nhất nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy,

Nhất thiết thủy nguyệt nhất nguyệt nhiếp,

Chư Phật pháp thân nhập ngã tánh,

Ngã tánh đồng cộng Như Lai hiệp.
Nhất địa cụ túc nhất thiết địa,

Phi sắc phi tâm phi hạnh nghiệp.

Đàn chỉ viên thành bát vạn môn,

Sát na diệt khước tam kỳ kiếp.

Nhất thiết số cú phi sổ cú,

Dữ ngô linh giác hà giao thiệp?
Bất khả hủy, bất khả tán,

Thể nhược hư không vô nhai ngạn.

Bất ly đương xứ thường trạm nhiên,

Mích tức tri quân bất khả kiến.
Thủ bất xả, xả bất đắc,

Bất khả đắc trung chỉ ma đắc.

Mặc thời thuyết, thuyết thời mặc,

Đại thí môn khai vô ủng tắc.
Hữu nhân vấn ngã giải hà tông,

Báo đạo Ma ha Bát Nhã lực.

Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức,

Nghịch hạnh thuận hạnh thiên mạc trắc.

Ngô tảo tằng kinh đa kiếp tu,

Bất thị đẳng nhàn tương cuống hoặc.
Kiến pháp tràng, lập tông chỉ,

Minh minh Phật sắc Tào Khê thị.

Đệ nhất Ca Diếp thủ truyền đăng,

Nhị thập bát đại Tây Thiên ký.
Pháp Đông lưu, nhập thử thổ,

Bồ Đề Đạt Ma vi sơ tổ.

Lục đại truyền y thiên hạ văn,

Hậu nhân đắc đạo hà cùng số.
Chân bất lập, vọng bổn không,

Hữu vô câu khiển bất không không,

Nhị thập không môn nguyên bất trước,

Nhất tánh Như Lai thể tự đồng.
Tâm thị căn, pháp thị trần,

Lưỡng chủng do như kính thượng ngân.

Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện,

Tâm Pháp song vong tánh tức chân.
Ta mạt pháp! Ác thời thế!

Chúng sanh phước bạc nan điều chế.

Khứ Thánh viễn hề tà kiến thâm,

Ma cường pháp nhược đa oan hại,

Văn thuyết Như Lai đốn giáo môn,

Hận bất diệt trừ như ngõa toái.
Chiên đàn lâm vô tạp thụ,

Uất mật sâm trầm sư tử trú.

Cảnh tịnh lâm nhàn độc tự du,

Tẩu thú phi cầm giai viễn khứ.
Sư tử nhi, chúng tùy hậu,

Tam tuế tiện năng đại hao hống.

Nhược thị dã can trục Pháp vương,

Bách niên yêu quái hư khai khẩu.
Viên đốn giáo vật nhân tình,

Hữu nghi bất quyết trực tu tranh.

Bất thị sơn tăng sính nhân ngã,

Tu hành khủng lạc đoạn thường khanh.
Phi bất phi, thị bất thị,

Sai chi hào ly thất thiên lý.

Thị tắc Long Nữ đốn thành Phật,

Phi tắc Thiện Tinh sanh hãm trụy.
Ngô tảo niên lai tích học vấn,

Diệc tằng thảo sớ tầm kinh luận,

Phân biệt danh tướng bất tri hưu,

Nhập hải toán sa đồ tự khốn,

Khước bị Như Lai khổ ha trách,

Sổ tha trân bảo hữu hà ích?

Tòng lai tắng đắng giác hư hành,

Đa niên uổng tác phong trần khách!
Chủng tánh tà, thác tri giải,

Bất đạt Như Lai viên đốn chế.

Nhị thừa tinh tấn một đạo tâm,

Ngoại đạo thông minh vô trí tuệ.
Diệc ngu si, diệc tiểu ngãi,

Không quyền chỉ thượng sanh thực giải,

Chấp chỉ vi nguyệt uổng thi công,

Căn cảnh pháp trung hư niết quái!
Bất kiến nhất pháp tức Như Lai,

Phương đắc danh vi Quán Tự Tại.

Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không,

Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.
Cơ phùng ngọc thiện bất năng xan.

Bệnh ngộ Y Vương chẩm đắc sái?

Tại dục hành thiền tri kiến lực,

Hỏa trung sanh liên chung bất hoại.

Dõng Thí phạm trọng ngộ vô sanh,

Tảo thời thành Phật ư kim tại.
Sư tử hống vô úy thuyết,

Thâm ta mông đổng ngoan bì đát.

Chỉ trì phạm trọng chướng Bồ đề.

Bất kiến Như Lai khai bí quyết.

Hữu nhị tỳ kheo phạm dâm sát.

Ba Ly huỳnh quang tăng tội kết.

Duy Ma đại sĩ đốn trừ nghi,

Do như hách nhật tiêu sương tuyết.
Bất tư nghì giải thoát lực,

Diệu dụng hằng sa dã vô cực.

Tứ sự cúng dường cảm từ lao,

Vạn lượng hoàng kim diệc tiêu đắc.

Phấn cốt toái thân vị túc thù,

Nhất cú liễu nhiên siêu bách ức.
Pháp trung vương tối cao thắng,

Hằng sa Như Lai đồng cộng chứng.

Ngã kim giải thử như ý châu,

Tín thọ chi giả giai tương ứng.
Liễu liễu kiến vô nhất vật,

Diệc vô nhân, diệc vô Phật.

Đại thiên sa giới hải trung âu,

Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất.

Giả sử thiết luân đỉnh thượng toàn,

Định tuệ viên minh chung bất thất.
Nhật khả lãnh, nguyệt khả nhiệt,

Chúng ma bất năng hoại chân thuyết.

Tượng giá tranh vanh mạn tiến đồ,

Thùy kiến đường lang năng cự triệt?
Đại trượng bất du ư thố kinh,

Đại ngộ bất câu ư tiểu tiết.

Mạc tương quản kiến báng thương thương,

Vị liễu, ngô kim vị quân quyết.

Đề Thiền Duyệt Thất-TS. Nhất Hạnh tặng Sư Ông Thanh Từ

Đề Thiền Duyệt Thất- TS. Nhất Hạnh
gối nhẹ mây đầu núi

nghe gió thoảng hương trà

Thiền Duyệt tâm bất động

rừng cây dâng hương hoa
một sáng ta thức dậy

sương lam phủ mái nhà

hồn nhiên cười tiễn biệt

chim chóc vang lời ca
đời đi về muôn lối

quan san mộng hải hà

chút lửa hồng bếp cũ

ấm áp bóng chiều sa
đời vô thường vô ngã

người khẩu Phật tâm xà

niềm tin còn gửi gắm

ta vui lòng đi xa
thế sự như đại mộng

quên tuế nguyệt ta đà

tan biến dòng sinh tử:

duy còn Ngươi với Ta.

Kinh Di Giáo- HT. Trí Quang dịch

KINH DI GIÁO

Dịch Giả: Hòa Thượng Thích Trí Quang
Nhất tâm đảnh lễ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng Phật bảo khắp cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, cùng Pháp bảo khắp cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ đại chúng Tỷ kheo trong đêm Phật sắp niết bàn, cùng Tăng bảo khắp cả pháp giới.

 Kính lạy đức Thế tôn, 

Biển công đức vô thượng, 

Thương xót độ chúng sinh, 

Nên con xin qui mạng. 

Pháp tạng sâu và sạch, 

Tăng tiến cho hành giả 

Bằng pháp thế xuất thế, 

Con xin lạy tất cả. 

Nay con nguyện thọ trì 

Pháp tạng ấy của Phật, 

Để biết đạo phương tiện 

Của Bồ tát tu tập. 

Biết đạo phương tiện ấy 

Thì Phật pháp trường tồn, 

Diệt trừ lỗi phàm thánh, 

Thành tựu lợi tự tha.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn (cũng gọi là kinh Giáo huấn để lại của Phật) 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên hóa độ tôn giả Kiều Trần Như, thuyết pháp lần cuối cùng hóa độ tôn giả Tu Bạt Đà La. Những người có thể hóa độ, Ngài đã hóa độ tất cả. Hôm nay, trong rừng Sa la, giữa cây song thọ, Ngài sắp niết bàn. Bấy giờ là lúc giữa đêm, hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động, Ngài đã vì các đệ tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh pháp. 

Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy. 

Giữ tịnh giới thì các thầy không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo. Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố lửa. Kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai. Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các thầy. Các thầy hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch, không được tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật, thuốc tiên, giao hảo quyền quí, và thân thiết với họ, rồi hèn hạ, ngạo mạn, tất cả đều không được làm. Phải tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ. Không được che dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng. Đối với bốn sự hiến cúng thì phải biết tự lượng và biết vừa đủ. Hễ được hiến cúng thì không nên tích trữ. 

Đó là Như Lai nói tóm tắt về sự giữ giới. Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh Ba la đề mộc xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định, và trí tuệ có năng lực hủy diệt thống khổ. 

Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh. Do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức. 

Các thầy Tỷ kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào trong năm thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa má của người. Phóng túng năm thứ giác quan, thì không những chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào nữa, không thể cấm chế. Như con ngựa hung hãn mà không được chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống hầm hố. Giặc cướp làm hại, khổ chỉ một đời, còn giặc giác quan họa đến nhiều kiếp: tai hại rất nặng, các thầy không thể không cẩn thận. Thế nên người có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng túng. Giả sử phóng túng năm thứ giác quan thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả. 

Các thầy Tỷ kheo, năm thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Như một kẻ tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu, như thế không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng nhảy vọt, khó mà ngăn cản; các thầy phải cấp tốc tỏa chiết, đừng cho phóng túng. Phóng túng tâm ra thì làm tan nát việc thiện của người. Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình. 

Các thầy Tỷ kheo, thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát. Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng vậy. Thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Hãy bắt chước kẻ khôn ngoan, biết lượng sức lực con trâu của mình chịu đựng nhiều ít, không dùng quá sức đến nỗi kiệt lực. 

Các thầy Tỷ kheo, ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi. Hãy nhớ ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ. Giặc phiền não thường rình giết ta, dữ hơn kẻ thù, tại sao ta có thể ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác? Phiền não ngủ trong tâm, cũng như rắn hổ mang màu đen nằm ngủ trong nhà, các thầy phải dùng móc sắt giữ giới mà cấp tốc móc kéo nó ra. Rắn ngủ ra rồi mới nên yên tâm ngủ nghỉ. Không ra mà ngủ thì thật là kẻ không biết hổ thẹn. Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ, dầu chỉ tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức tính ấy. Mất hổ thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì cầm thú. 

Các thầy Tỷ kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kềm chế tâm mình, đừng cho giận dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Đức tính của Nhẫn, giữ giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí. Tại sao, vì giận dữ thì phá hủy hết thảy thiện pháp và danh tiếng đáng quí, hiện tại vị lai không ai muốn nhìn. Sự giận dữ hơn cả ngọn lửa ác liệt, vì thế mà các thầy phải đề phòng một cách thường trực, đừng cho xâm nhập tâm trí. Giặc cướp công đức không chi hơn giận dữ. Thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành đạo, không có phương pháp để tự khống chế, thế nên giận dữ thì còn có thể tha thứ được. Còn người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ dục vọng, vậy mà giận dữ thì thật bất đáng; không khác gì giữa bầu trời mây trong mát mà sấm sét lóe lửa là điều không thích hợp. 

Các thầy Tỷ kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống; tự thấy như vậy mà kiêu ngạo còn nổi lên, thì phải cấp tốc tỏa chiết. Tăng thêm kiêu ngạo là điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia nhập đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình xuống mà đi khất thực?

Các thầy Tỷ kheo, tâm lý dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không thể như vậy. Vì thế mà các thầy cần phải ngay thẳng tâm mình, lấy đức tính chất trực làm căn bản. 

Các thầy Tỷ kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều, thì vì nhiều sự cầu lợi nên khổ não cũng nhiều. Còn ít ham muốn thì không cầu hồ, không dục vọng, nên không có cái họa đó. Chỉ có như thế mà thôi, sự ít ham muốn cũng đã phải thực tập, huống chi sự ấy còn đem lại đủ các công đức. Người ít ham muốn thì không dua nịnh quanh co để cầu được lòng người, cũng không bị các giác quan lôi kéo. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thừa thãi, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn. Có ít ham muốn là có niết bàn. Đó là hạnh ít ham muốn. 

Các thầy Tỷ kheo muốn giải thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự biết vừa đủ. Chính sự biết vừa đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn. Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ thì ở thiên đường cũng vẫn bất mãn. Không biết vừa đủ thì giàu mà nghèo, biết vừa đủ thì nghèo mà giàu. Không biết vừa đủ thì luôn luôn bị cả năm thứ dục lạc lôi kéo, làm cho người biết vừa đủ phải xót thương. Đó là hạnh biết vừa đủ. 

Các thầy Tỷ kheo muốn cầu yên tĩnh, vô vi và an lạc, thì các thầy hãy thoát ly mọi sự ồn ào và bối rối, ở đơn độc và ở một cách thư thái. Người ở yên tĩnh thì chúa trời Đế thích và chư thiên đều tôn kính. Vì thế mà các thầy hãy thoát ly đồ chúng của mình, và đồ chúng của người, ở đơn độc, thư thái và thanh vắng, dùng “tư duy tu” mà cắt đứt gốc rễ đau khổ. Nếu thích đồ chúng thì sẽ bị đồ chúng quấy phá, như cây đại thọ mà cả bầy chim chóc tập hợp lại thì vẫn bị cái họa khô gãy. Thế gian ràng buộc mà chìm ngập thống khổ, thì cũng không khác gì voi già mà sa xuống bùn lầy, hết mong thoát khỏi. Đó là hạnh siêu thoát. 

Các thầy Tỷ kheo, nỗ lực tinh tiến thì không có việc gì khó khăn. Thế nên các thầy phải thực hành sự nỗ lực tinh tiến. Nước nhỏ mà chảy mãi thì có thể xuyên thủng cả đá. Nếu người hành đạo mà hay biếng nhác phế bỏ, thì cũng như kéo lửa chưa nóng mà đã ngừng, dầu thiết tha có lửa, lửa cũng khó mà có được. Đó là hạnh tinh tiến. 

Các thầy Tỷ kheo, cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trì và cầu thiện hỗ trợ, đều không bằng không quên chánh niệm. Không quên chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí. Thế nên các thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại nơi tâm trí. Mất chánh niệm là mất công đức. Nếu chánh niệm có sức lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hãi gì nữa. Đó là hạnh không quên chánh niệm. 

Các thầy Tỷ kheo, tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn luôn tinh tiến, nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định được thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp đê sửa bờ cho khéo, hành giả cũng vậy, hãy vì nước trí tuệ mà thực tập thiền định để giữ cho nó khỏi chảy mất. Đó là hạnh thiền định. 

Các thầy Tỷ kheo, có trí tuệ thì hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát. Không như thế thì đã không phải xuất gia, lại không phải thế tục, không còn biết gọi là gì. Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh lão bịnh tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bịnh tật, là búa sắc chặt cây phiền não. Vì thế mà các thầy hãy dùng cái tuệ văn tư tu chứng để tự tăng tiến ích lợi. Có trí tuệ soi chiếu, thì dẫu mắt thịt, cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất. Đó là hạnh trí tuệ. 

Các thầy Tỷ kheo, nếu hý luận đủ thứ thì tâm trí rối loạn. Như vậy, tuy đã xuất gia mà chưa được siêu thoát. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy từ bỏ tức khắc sự hý luận rối loạn tâm trí. Các thầy muốn thực hiện cái vui tịch diệt, thì chỉ có cách cấp tốc diệt trừ cái họa hý luận. Đó là hạnh không hý luận. 

Các thầy Tỷ kheo, đối với mọi thứ công đức, các thầy hãy thường xuyên nhất tâm tu tập, tránh sự phóng dật như tránh giặc thù. Thể hiện lòng đại bi, Như lai đã nói chánh pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành. Hoặc trong rừng núi, hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại thọ, các thầy hãy ở một cách thư thái, trong tịnh thất nhỏ, nhớ và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng để quên mất. Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình sẽ chết đi một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận. Như lai như vị lương y, biết bịnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của lương y. Lại như người dẫn đường rất tốt, chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi, thì không phải lỗi của người dẫn đường. 

Các thầy Tỷ kheo, đối với bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không được giữ sự hoài nghi, mà không cầu giải đáp. Thế tôn nói lên ba lần như vậy, nhưng không ai chất vấn. Vì lẽ chư Tăng không có ai còn hoài nghi gì nữa. Bấy giờ tôn giả A nâu lâu đà quán sát tâm trí chư Tăng, rồi thưa với Ngài, bạch đức Thế tôn, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng bốn chân lý mà đức Thế tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi được. Ngài dạy khổ thì thật là khổ, không thể làm cho vui lên; tập là nguyên nhân của khổ, thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa; diệt là khổ diệt vì nguyên nhân đã diệt, mà nguyên nhân diệt thì kết quả cũng diệt; đạo là phương pháp diệt khổ nên thật là đạo, không có đạo nào khác hơn. Bạch đức Thế tôn, đối với bốn chân lý, các vị Tỷ kheo đây đã quyết định, không còn hoài nghi gì nữa. 

Chư Tăng lúc ấy, những người tu học chưa hoàn tất, thì thấy Phật diệt độ hãy còn bi cảm. Những người mới vào chánh pháp, nghe Phật nói liền được hóa độ, như trong đêm tối mà điện chớp sáng là thấy ngay đường đi. Còn những người tu học đã hoàn tất, đã vượt qua biển khổ, thì chỉ nghĩ rằng, đức Thế tôn diệt độ sao mà mau chóng như vậy. 

Do đó, Tôn giả A nâu lâu đà tuy đã bạch Phật, rằng chư Tăng ai cũng thấu triệt bốn chân lý, nhưng đức Thế tôn muốn làm cho tất cả đều được kiên định, nên vẫn đem tâm đại bi mà huấn dụ thêm nữa. Các thầy tỷ kheo, không nên buồn rầu; nếu Như lai ở đời lâu đến một đại kiếp đi nữa, thì sự kết hợp nào rồi cũng phải tan rã. Kết hợp mà không tan rã là điều không thể có được. Chánh pháp tư lợi lợi tha đã có đầy đủ. Như lai sống cho lâu cũng không còn ích lợi gì nữa. Ai có khả năng tiếp nhận hóa độ, thì ở trên chư thiên hay ở trong nhân loại, Như lai đã hóa độ tất cả. Ai chưa thể tiếp nhận hóa độ, thì Như lai cũng đã tạo yếu tố hóa độ cho họ. Từ nay về sau, đệ tử của Như lai hãy triển chuyển thực hành. Như thế là pháp thân của Như lai thường trú bất diệt. 

Thế nên, các thầy Tỷ kheo, phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường, có kết hợp thì có tan rã, đừng lo buồn gì cả. Ngược lại, cuộc đời như thế thì các thầy phải nỗ lực tinh tiến để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mỏng manh, không một thứ chi bền bỉ. Như lai được diệt độ thì cũng như trừ được cơn bịnh khủng khiếp. Đây là vật tội ác và đáng bỏ, giả hiệu là thân thể mà lại chìm ngập trong biển cả già bịnh sống chết, như thế người có trí tuệ ai lại không hoan hỷ khi trừ bỏ được thân này như trừ bỏ kẻ thù? 

Các thầy Tỷ kheo, hãy thường nhất tâm, nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát. Toàn thể vũ trụ, dầu pháp biến động hay pháp bất động, đều là trạng thái bất an và tan rã. Thôi, các thầy hãy yên lặng, không nên nói nữa. Thì giờ sắp hết, Như lai muốn diệt độ. Trên đây là những lời giáo huấn tối hậu của Như lai. 
Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật. 

Đệ tử chúng con 

Kính tụng di giáo 

Của đức Thế tôn 

Lúc sắp niết bàn. 

Kinh Di Giáo này 

Là pháp tối thượng 

Trong những khả năng 

Duy trì Phật pháp. 

Đệ tử chúng con 

Nhờ phước quá khứ 

Mới được xuất gia 

Và tụng kinh này. 

Nguyện cầu chúng con 

Giới hạnh an toàn, 

Lại cầu chư Tăng 

Giới pháp thanh tịnh. 

Làm cho Phâït pháp 

Tồn tại lâu dài, 

Tự lợi lợi tha, 

Chứng pháp tối thượng.

Nhất tâm đảnh lễ Bổn sư Thích ca mâu ni Phật, cùng Phật bảo khắp cả pháp giới.

Nhất tâm đảnh lễ Kinh Giáo Huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, cùng Pháp bảo khắp cả pháp giới.

Nhất tâm đảnh lễ đại chúng Tỷ kheo trong đêm Phật sắp niết bàn, cùng Tăng bảo khắp cả pháp giới.

Tản mạn Phật giáo

●Nhất canh đoan tọa kiết già phu,

Di thần tịch chiếu hung đồng hư.

Khoáng kiếp do lai bất sanh diệt,

Hà tu sanh diệt diệt sanh cừ?

Nhất thiết chư pháp giai như huyễn,

Bổn tánh tự không na dụng trừ!

Nhược thức tâm tánh phi hình tượng,

Trạm nhiên bất động tự như như.

☆☆☆☆☆☆☆☆☆

Canh một nghiêm trang ngồi tịnh tu,

Tinh thần tịch chiếu đồng thái hư,

Muôn kiếp đến nay chẳng sanh diệt,

Đâu cần sanh diệt diệt gì ư?

Gẫm xem các pháp đều như huyễn,

Bổn tánh tự không đâu dụng trừ,

Nếu biết tâm tánh không tướng mạo,

Lặng yên chẳng động tự như như.

Ngộ Tánh Luận- Bồ Đề Đạt Ma
●Ngũ canh Bát nhã chiếu vô biên,

Bất khởi nhất niệm lịch tam thiên.

Dục kiến chân như bình đẳng tánh,

Thậm vật sanh tâm tức mục tiền.

Diệu lý huyền ảo phi tâm trắc,

Bất dụng trầm trục linh bì cực.

Nhược năng vô niệm tức chân cầu,

Cánh nhược hữu cầu hoàn bất thức.

☆☆☆☆☆☆☆

Canh năm Bát nhã chiếu vô biên,

Chẳng khởi một niệm khắp tam thiên,

Muốn thấy chân như tánh bình đẳng,

Dè dặt sanh tâm, trước mắt liền.

Lý diệu ảo huyền khôn lường được,

Dụng công đuổi bắt càng nhọc mình,

Nếu không một niệm mới thật tìm,

Còn có tâm tìm toàn chẳng biết.

Sáu cửa vào động Thiếu Thất- Bồ Đề Đạt Ma
●Ngột ngột bất tu thiện,

Đằng đằng bất tạo ác,

Tịch tịch đoạn kiến văn,

Đãng đãng tâm vô trước.

☆☆☆☆☆☆☆☆

Ngơ ngơ không tu thiện,

Ngáo ngáo không làm ác,

Lặng lẽ dứt thấy nghe,

Thênh thang tâm không dính.

Lục Tổ Huệ Năng
● Nhân Sự Thượng Đường

Thị phi trường đoản nhĩ biên phong,

Thiết mạc ư trung mích dị đồng.

Yết đắc bát phong xuy bất động,

Phóng giao tâm địa đẳng hư không.

☆☆☆☆☆☆☆☆☆

Thị phi phải quấy gió qua tai,

Chớ nên trong ấy tìm dở hay.

Muốn được tám gió thổi không động,

Buông thỏng tâm đồng với hư không.

TS. Vô Môn Huệ Khai
●Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,

Học hành không thiếu cũng không dư.

Đến nay nhớ lại chừng quên hết,

Chỉ nhớ trong đầu một chữ NHƯ.

HT. Phúc Hậu

Lời dạy của Sư Ông Thanh Từ

Đặc điểm trong sự truyền bá Thiền tông, Thiền sư không khi nào nói trắng ra những cái gì mình muốn dạy cho kẻ tham vấn. Các ngài khéo dùng những hành động lạ thường, những ngôn ngữ bí hiểm khiến cho người tham vấn phải ngạc nhiên, phải nghi ngờ. Vì thế, chỉ có những người lanh lợi mới có thể ngay đó thể hội được. Bằng người không thể ngay đó thể hội, thì phải ôm hoài nghi mãi trong lòng, đến bao giờ gặp cơ duyên mới tỉnh ngộ. Có một Thiền sư đã nói: “Tôi không quí Tiên sư về đức hạnh, mà chỉ quí chỗ không giải nghi cho tôi.” Do đó, khi cầm viết dịch tập sách này, tôi chỉ muốn hoàn toàn là dịch giả, không muốn xen vào một ý kiến nào.

Nhưng hành trạng Thiền sư thật quá khó hiểu. Có khi các ngài như quá ngang tàng không kể gì tội phước, như Thiền sư Đơn Hà thiêu tượng Phật. Có khi các ngài như thô bạo dám giết hại chúng sanh, như Nam Tuyền cầm dao chặt con mèo. Có khi các ngài như tàn nhẫn không biết thương kẻ hậu học, như Hoàng Bá đánh Lâm Tế. Hoặc các ngài tự bảo sau khi chết sẽ sanh làm con trâu, như Nam Tuyền, Qui Sơn… Vì thế, nếu chúng tôi không điểm sơ qua, quí độc giả khó bề lãnh hội được thâm ý. Chẳng những không lãnh hội được thâm ý, trái lại còn đâm ra nghi ngờ hoang mang, có khi phỉ báng các ngài là khác. Bởi lẽ ấy, buộc lòng chúng tôi phải dẫn giải một vài điểm đặc biệt ở sau đây, gọi là hé cửa cho quí độc giả bước vào nhà Thiền.

Người tu theo Thiền tông cốt nhận được bản tâm, thấy được bản tánh của mình. Khi nhận được bản tâm, mới tin “tâm tức là Phật”. Khi thấy được bản tánh, mới tin “tánh mình đầy đủ tất cả, xưa nay vẫn thanh tịnh”. Nhưng tâm tánh ở đâu? thế nào? Tất cả người tu Phật đều thắc mắc vấn đề này. Khi đặt câu hỏi tâm tánh ở đâu? thế nào? thì khác gì người cỡi trâu tìm trâu, vác Phật đi cầu Phật, biết bao giờ thấy được. Sao chúng ta không mạnh mẽ như Thiền sư Huệ Hải? Khi Sư đến tham vấn Mã Tổ, Mã Tổ hỏi: 

– Đến đây tính cầu việc gì? 

Sư thưa: 

– Đến cầu Phật pháp. 

– Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì? 

– Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải? 

– Chính nay ngươi hỏi ta, đó là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng đâu nhờ tìm cầu bên ngoài. 

Ngay câu nói này, Sư nhận được bản tâm. 

Thật không xa, nếu chúng ta can đảm tin nhận thì nó sờ sờ trước mắt. Bằng chúng ta không tin nhận thì tìm mãi suốt đời không ra. Bởi chúng ta đã tưởng tượng quá nhiều về tâm tánh, những tưởng tượng ấy đã tô đắp vẽ vời khiến bộ mặt thật của tâm tánh biến thành hình tướng lạ kỳ huyền bí. Giờ đây, nghe các Thiền sư chỉ thẳng bộ mặt thật của nó rất tầm thường bình dị, tất cả chúng ta không ai chịu tin. Do đó, muốn thấy bộ mặt thật của mình (Bản lai diện mục) qua các lời chỉ dạy của các Thiền sư, chúng ta phải gạt bỏ mọi tưởng tượng đã có lâu nay đi, khả dĩ mới trực nhận được tâm tánh.
Thiền tông lấy bản tâm làm chủ, nên sự tu hành của Thiền sư là sống trở lại với ông chủ của mình, trong mọi hành động, mọi thời gian. Tất cả hình thức bên ngoài đối với Thiền sư không có gì là quan trọng. Dù ngồi thiền suốt ngày, dưới con mắt các ngài vẫn thấy chưa phải là tinh tấn. Vì thế, Thiền sư Hoài Nhượng mới đặt câu hỏi với Thiền sư Đạo Nhất, khi Sư này đang mải mê ngồi thiền, rằng: “Như trâu kéo xe, xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?” 

Huống nữa, quên tâm mình chạy theo hình thức bên ngoài, càng tu càng xa đạo. Không có sự giác ngộ nào ngoài tâm mà có. Phật là giác, nếu chúng ta cầu Phật mà quên tâm, thử hỏi bao giờ thấy Phật. Những hình tượng Phật, Bồ-tát thờ bên ngoài, chỉ là phương tiện gợi lại cho chúng ta nhớ bản tâm. Nếu chúng ta không chịu nhớ lại bản tâm, cứ cầu cạnh nơi hình tượng bên ngoài, thật là một việc làm trái đạo .Vì thế, Thiền sư Đơn Hà đã bạo dạn thiêu tượng Phật gỗ .Viện chủ Hướng nóng lòng hỏi: “Tại sao thiêu tượng Phật của tôi?” Sư đáp: “Thiêu tìm xá-lợi.” Thật là một câu đáp bất hủ .Vậy mà Viện chủ còn ngây thơ nói: “Phật gỗ làm gì có xá-lợi .”Sư bảo: “Thỉnh thêm hai vị nữa thiêu.” Quả nhiên một tiếng sấm tét màng tai, làm sao Viện chủ không tỉnh ngộ được. Do đó, người sau nói: “Đơn Hà thiêu Phật gỗ, Viện chủ rụng lông mày.” (Đơn Hà thiêu mộc Phật, Viện chủ lạc mi mao.) Hành động táo bạo của Thiền sư Đơn Hà là một sức mạnh phi thường, đánh thức được người đang chìm trong giấc mê hình thức.

Muốn trắc nghiệm chỗ thấy biết của người, không gì hay hơn ở trong một trường hợp bất thần bắt buộc họ phải thố lộ ralời nói, hoặc hành động.Thiền sư Nam Tuyền giơ dao sắp chặt con mèo một cách đột ngột giữa đại chúng, bắt buộc chúng phải đáp một câu cho hợp ý, Sư sẽ cứu con mèo.Rốt cuộc trong đại chúng không có người đáp được, buộc lòng Sư phải hạ dao.Hành động ấy không phải nhằm vào con mèo, mà nhằm thẳng đại chúng. Nhưng đại chúng đã bất lực, Sư bất đắc dĩ phải giết con mèo như lời đã nói. Khi Tùng Thẩm đi ngoài về, Sư cũng thuật lại lời ấy, Tùng Thẩm liền cổi giày đội trên đầu. Sư bảo: “ Giá khi nãy có ngươi thì đã cứu được con mèo.” Hành động bất thần của Sư chẳng khác nào cơn sét đánh, chỉ có Tùng Thẩm biết được ý Sư nên cổi giày đội trên đầu. Bởi vì chỗ tột quí của con người là đầu, cái ti tiện nhất là giầy.Tùng Thẩm cổi giày đội trên đầu là nói lên cái thấy của mình không có quí tiện, không còn phàm thánh, vượt ngoài vòng đối đãi. Đó là chỗ thầy trò thông hội nhau. Người thời nay thấy hành động giết con mèo của Sư, liền kết án Sư phạm tội sát sanh. Họ có biết đâu, Sư đã khéo mượn phương tiện để thấy cứu kính.

Chân tâm là chỗ bặt suy nghĩ, càng suy nghĩ càng xa. Thiền tông xưa nay truyền trao chỉ một chân tâm không gì khác. Người tu thiền vừa móng lòng tìm chân tâm thì không bao giờ thấy nó. Vì thế, Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền vừa hỏi “thế nào là đại ý Phật pháp” liền bị Thiền sư Hoàng Bá đập cho một gậy, ba phen hỏi đều ăn ba gậy, mà không được một lời chỉ dạy. Thế mà, đi đến Thiền sư Đại Ngu, Lâm Tế thuật lại việc bị đánh, “mà không biết có lỗi gì”, Đại Ngu còn nói: “Hoàng Bá dạy ngươi rất thống thiết, chỉ tại ngươi còn tìm lỗi.” Ngay câu nói này, Lâm Tế tỉnh ngộ. Thế mới biết, cái đánh của Hoàng Bá thật thống thiết. Nhưng, nếu không có Thiền sư Đại Ngu thì cái đánh ấy trở thành vô nghĩa.
Chân tâm hằng lộ liễu trong mọi hành động của ta. Nếu ta trực nhận là thấy, bằng không trực nhận tìm hoài suốt kiếp cũng chẳng gặp. Người học đạo không chịu ngay nơi hành động trực nhận chân tâm, mãi cầu thiện tri thức chỉ dạy cho thể hội. Nhưng làm sao chỉ dạy được, vừa nói ra là đã sai rồi. Vì thế, Sư Sùng Tín theo hầu Thiền sư Đạo Ngộ mấy năm mà không nghe chỉ dạy. Nóng lòng, Sư hỏi: “Con theo hầu Thầy mấy năm mà chưa được Thầy chỉ dạy tâm yếu.” Đạo Ngộbảo: “Ta đã từng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi rồi.” – “Thầy dạy con lúc nào?” – “Khi ngươi bưng cơm lên thì ta nhận, ngươi dâng trà thì ta tiếp, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, đâu không dạy tâm yếu cho ngươi?” Nhân câu nói này, Sư Sùng Tín tỉnh ngộ.Thật, dạy mà không dạy, nói mà không nói. Đây là đại dụng của Thiền sư, những người học ngôn ngữ không sao hiểu thấu.

Người tu Thiền phải dẹp sạch bản ngã, dù là bản ngã thánh cũng không còn. Nếu còn thấy sở đắc là còn bản ngã, giả sửthấy đắc quả thánh cũng là vị thánh tương đối, chớ chưa thật giải thoát. Chỗ giải thoát cứu kính là tâm không còn dính mắc một chỗ nào, như câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Vì thế vua Đường Túc Tông hỏi Thiền sư Huệ Trung: “Thầy được pháp gì?” Huệ Trung đáp: “Bệ hạ thấy một mảnh mây trong hư không chăng?” – “Thấy” – “Nó do đóng đinh mắc hay cột dây mắc?” Được không dính mắc mới tự tại giải thoát, còn dính mắc bất cứ một quả vị nào cũng là chưa tự tại.Thế mà, người tu thiền hiện nay ngồi lại là mong thấy cái này, chứng quả kia.Khởi tâm vọng cầu như vậy làm sao không lạc vào cảnh giới ma? Làm sao tránh khỏi cuồng loạn?

Chẳng những tâm không còn dính mắc trong quả vị, mà cũng sạch hết phàm tình thánh giải. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhược tác thánh giải tức thọ quần tà.” Phàm tình là tình chấp của chúng sanh trong lục đạo. Thánh giải là cái hiểu thánh, hiểu rằng mình chứng mình đắc trong các quả vị thánh. Nếu chưa sạch phàm tình thánh giải thì người tu khó bề thoát khỏi cảnh ma. Tổ Qui Sơn sắp tịch, bảo chúng: “Sau khi Lão tăng trăm tuổi sẽ đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái đề năm chữ ‘Qui Sơn Tăng Linh Hựu’. Khi ấy, gọi là Qui Sơn tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Qui Sơn tăng? Gọi thế nào mới đúng?” Người thời nay nghe câu nói này bèn sanh nghi “tại sao Ngài tu như vậy mà đọa làm súc sanh”? Thật là cái biết của kẻ mù, làm sao thấy được trời đất bao la? Nơi Ngài tâm phàm thánh đã sạch mới thốt ra được câu ấy. 

Chúng tôi mong quí độc giả khi đọc quyển sách này, mỗi người tự cổi sạch những thiên chấp của mình để thấy được đại cơ đại dụng của Thiền sư, đừng bị đầu lưỡi các Ngài lừa.

                                                …trích Thiền Sư Trung Hoa, Sư Ông.

A Short Warming Up Trip (Northern Vietnam)

Diary Of A Traveller

After a long silence, almost a year of living the normal routine life in my homesoil in Kuala Lumpur, Malaysia, I’m now preparing for my next long exciting journey, of course, on a bicycle! Again, I’m writing this from inside my room at home, sweating under the hot weather and still…. my aircond isn’t working! (I already gave up on that). Up to date, its already been 4 years since I decided to live my life on the road, traveling to see the world only with my bicycle, alone. That risky decision that I made 4 years ago has really changed my life. That decision I made, has made me a homeless person, always short of money and living a simple life. But somehow, I feel peaceful, since I live without debts, no bills to pay at the end of each month. Plus, I realized that I’m a happier person…

View original post 786 more words

Dam Thanh Son's Blog

Chắc nhiều bạn, ít nhất thế hệ tôi và lớn hơn, vẫn còn nhớ cuốn sách “Radio? Thật là đơn giản!” của Eugène Aisberg, bản dịch của Trần Lưu Hân. Đây là cuốn đầu tiên trong một bộ sách mà hai quyển tiếp theo là “Transistor? Thật là đơn giản” và  “Vô tuyến truyền hình? Thật là đơn giản”, tôi nhớ đã nhìn thấy cả hai bằng tiếng Việt. Cuốn “Vô tuyến truyền hình màu? Thật là đơn giản” là cuốn cuối cùng trong bộ, tôi không biết đã dịch ra tiếng Việt chưa.

Cuốn “Radio? Thật là đơn giản!” giải thích những nguyên tắc làm việc của cái radio qua những đối thoại của hai nhân vật: Hiếu Tri (trong bản tiếng Pháp là Curiosus) và Bất Tri (Ignotus), trong đó Hiếu Tri là thầy giáo và Bất Tri là học trò. Tôi nhớ lúc bé tôi có thắc mắc…

View original post 665 more words